CÁC HOẠT ĐỘNG CHƠI CÙNG CON TẠI NHÀ

Mùa hè đã đến, thời gian ở nhà của trẻ em sẽ nhiều hơn so với việc đến trường. Đây là thời gian lý tưởng để cha mẹ tận dụng và tạo ra những hoạt động bổ ích cùng con. Trò chơi là một trong những hoạt động mà cha mẹ nên thực hiện. Có hai loại trò chơi phổ biến để chơi cùng con: trò chơi vận động và trò chơi trí tuệ. Cha mẹ có thể lựa chọn những trò chơi phù hợp với thời gian và không gian gia đình.

Anne Party gợi ý một số trò chơi để cha mẹ cùng con chơi tại nhà. Dù là trò chơi phức tạp hay đơn giản, quan trọng nhất là ta cùng chơi với con và thông qua đó, tạo ra sự tương tác và hiểu nhau hơn giữa cha mẹ và con cái.

PHẦN 1: CÁC TRÒ CHƠI VẬN ĐỘNG

  1. Nhảy lò cò: trò chơi này phù hợp cho trẻ từ 4-5 tuổi trở lên.
  • Nếu chơi ngoài sân, cha mẹ có thể dùng phấn để vẽ các ô lò cò và điền số vào. Nếu chơi trong nhà, bố mẹ có thể dùng bút lông để vẽ hoặc dùng đề can để dán.
  • Trò chơi này có các ô đơn và ô kép, trẻ nhảy bằng một chân trên ô đơn và hai chân tiếp đất trên ô kép.
    Ảnh: Trò chơi lò cò cho bé
  • Người chơi sẽ dùng một thẻ hoặc một viên đá để thả vào các ô số. Khi nhảy đến ô đó, người chơi sẽ nhặt thẻ lên rồi tiếp tục nhảy và cuối cùng quay về vị trí ban đầu.
  1. Ném bóng vào rổ: trò chơi này phù hợp với mọi lứa tuổi, nhưng cha mẹ nên chọn vật liệu phù hợp với độ tuổi của bé.
  • Nếu bé đã lớn, cha mẹ có thể mua hoặc làm rổ tương tự như trong môn bóng rổ và mắc rổ vào một vị trí cao hơn đầu bé một chút. Nếu bé còn nhỏ, cha mẹ chỉ cần dùng rổ nhựa hoặc hộp giấy để bé ném vào, đặt thấp hơn tầm nhìn của bé.
  • Khoảng cách giữa bé và rổ sẽ được tăng dần để bé dần quen với trò chơi.
  • Cha mẹ và bé luân phiên ném bóng vào rổ, mỗi lần ném thành công sẽ được tính điểm.
  1. Bowling sáng tạo:
  • Chuẩn bị: một quả bóng to (không quá nhẹ), một đoạn đường lăn trống trong nhà và các “pin” bowling.
  • Đặt các “pin” theo thứ tự tùy ý và yêu cầu bé ném bóng từ một vị trí cố định cách xa những “pin”.
  • Ghi điểm cho mỗi lượt ném dựa trên số “pin” đã đổ.
  1. Phân loại hạt theo màu: trò chơi này giúp bé học cách phân biệt màu sắc.
  • Trộn các đồ chơi nhiều màu lại với nhau.
  • Cùng bé phân loại đồ chơi theo màu và dạy bé tên gọi của các màu.
  • Sau đó, để bé tự làm.
  1. Tên lửa bong bóng:
  • Luồn dây len dài vào một đoạn ống hút ngắn và căng sợi dây len thẳng giữa hai đầu cố định cách xa nhau.
  • Thổi bóng bóng và dùng băng keo đính bóng vào ống hút.
  • Khi buông bóng ra, phản lực sẽ làm bóng lướt nhanh dọc theo đoạn dây. Trò chơi này sẽ làm bé rất phấn khích.
  1. Vượt hàng rào Laser:
  • Dùng cuộn len hoặc băng keo đỏ để giăng chằng chịt ở các khoảng không hẹp như ban công, hàng lang hoặc gần hàng rào, tạo vạch như là những tia “laser” mà bé phải vượt qua.
  • Bố mẹ cho bé ăn mặc gọn gàng và bắt đầu thử thách bé vượt qua hàng rào Laser mà không đụng vào các tia “laser”. Nếu bé đụng vào, phải quay lại điểm xuất phát ban đầu.
  • Người vượt qua các tia Laser nhanh nhất sẽ là người chiến thắng.
  1. Cuộc đua bông gòn:
  • Đây là một trò chơi đơn giản nhưng rất hấp dẫn, dành cho mọi lứa tuổi.
  • Chuẩn bị: ống hút và bông gòn.
  • Từ vạch xuất phát, người chơi dùng ống hút để thổi bông gòn trượt về vạch đích. Người đạt đích trước sẽ là người chiến thắng.
  1. Phi tiêu bóng nước: dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.
  • Bịt đầu thổi bóng bóng vào vòi nước và mở van để tạo nên các bong bóng nước.
  • Dùng ghim treo các bong bóng lên một mảng tường xốp và đặt ngoài sân.
  • Mỗi người chơi được phát nhiều phi tiêu và dán sticker riêng vào phi tiêu để đánh dấu phi tiêu của mình.
  • Người làm bể được nhiều bóng nước nhất sẽ là người chiến thắng.
  1. Mạng nhện:
  • Dùng băng dính để tạo thành một mạng nhện chằng chịt giữa khung cửa.
  • Dùng giấy báo cũ vo tròn và ném vào “mạng nhện”, băng keo sẽ giữ các tờ báo trên “mạng nhện”.
  • Trò chơi này sẽ làm bé thích thú và chúng có thể tự chơi đùa với nhau để cha mẹ có thêm thời gian rảnh rỗi.
  1. Sân bay tính điểm:
  • Dùng băng dính hoặc giấy để tạo thành một sân nhỏ với các vạch tính điểm 10, 20, 30,…
  • Gấp các máy bay giấy và đánh dấu máy bay riêng của từng người chơi.
  • Từ vạch xuất phát, ném máy bay vào sân bay. Vị trí đáp máy bay sẽ được ghi điểm tương ứng với các vạch điểm đã chia lúc đầu.

PHẦN 2: CÁC TRÒ CHƠI TRÍ TUỆ

  1. Tìm điểm khác nhau:
  • In hoặc vẽ hai bức tranh giống nhau, chỉ khác nhau ở một vài điểm.
  • Người chơi tìm các điểm khác nhau giữa hai bức tranh.
  • Bố mẹ có thể cho bé chơi trực tuyến trên các website hoặc ứng dụng trò chơi, nhưng cần có sự giám sát của người lớn.
  1. Vẽ tranh:
  • Bố mẹ và bé có thể chơi trò vẽ tranh bằng bút chì, màu nước, bút sáp màu,…
  • Nếu muốn sáng tạo hơn, bố mẹ có thể dùng mặt cắt của rau củ để bé in các hình có sẵn trên giấy, ví dụ như mặt cắt khổ qua, đậu bắp, bông cải xanh để tạo những bông hoa xinh xắn trên giấy.
  1. Xếp hình:
  • Xếp lego: các bé nhỏ có thể chơi với lego có kích thước lớn để tránh nguy cơ nuốt phải các mẩu nhỏ. Bé từ 6 tuổi có thể bắt đầu chơi các bộ lego phức tạp.
  • Với các bé dưới 3 tuổi, bố mẹ có thể tận dụng các lon sữa, hộp giấy nhỏ để cho bé tự do sáng tạo bằng cách sắp xếp các hình khối theo ý thích.
  1. Chăm sóc cây cối:
  • Mua các loại hạt và đất trồng, sau đó gieo hạt và cùng bé theo dõi quá trình nẩy mầm từ ngày này sang ngày khác.
  • Mua các chậu cây trồng sẵn như lưỡi hổ, trầu bà, xương rồng, sen đá,… và cùng bé chăm sóc chúng.
  1. Tìm chữ – tìm số: dành cho bé từ 3 tuổi trở lên.
  • Tìm chữ: cắt các chữ cái và bỏ vào hộp, sau đó đọc chữ cái để bé tìm. Khi bé đã lớn hơn, thay chữ cái bằng các từ.
  • Tìm số: viết các số từ 1 đến 10 (hoặc từ 1 đến 100 nếu bé đã lớn) vào một tờ giấy, sau đó bé sẽ tìm các số theo thứ tự từ nhỏ đến lớn và khoanh tròn số đã tìm được.
  1. Ảo thuật:
  • Chuẩn bị: 3 cốc giấy giống nhau và một đồ vật nhỏ như hoa giấy, bông gòn.
  • Đặt một đồ vật dưới một cốc, sau đó hoán đổi vị trí của 3 cốc và yêu cầu bé tìm ra cốc chứa đồ vật.
  • Với các bé nhỏ, cha mẹ có thể hoán đổi các cốc từ từ để bé quan sát và học hỏi. Với bé lớn hơn, tốc độ hoán đổi có thể nhanh hơn.
  1. Con rối: dành cho bé từ 3-4 tuổi.
  • Dùng các đầu ngón tay để chơi con rối. Con rối thường là các con vật hoặc các nhân vật hoạt hình.
  • Bố mẹ có thể mua rối ngón tay có sẵn hoặc dùng bút để vẽ các con vật lên đầu ngón tay của mình.
  • Kể câu chuyện và dùng các đầu ngón tay để minh họa hành động của các con vật/nhân vật trong truyện.
  1. Trò chơi toán học:
  • Dùng các đồ vật giống nhau để giúp bé hiểu về cộng, trừ.
  • Ví dụ: 3 cây bút + 2 cây bút = 5 cây bút; hoặc Mẹ có 6 chiếc kẹo, mẹ cho bé 3 chiếc, thế mẹ còn lại bao nhiêu chiếc kẹo?
  • Các minh họa trực quan sinh động sẽ làm bé cảm thấy hứng thú hơn với việc học toán.
  1. Mê cung:
  • Trên giấy có hình một mê cung với cửa vào và cửa ra cùng vô số các đường ngoằn nghèo bên trong. Nhiệm vụ của bé là tìm ra lối đi từ cửa vào đến cửa ra và đánh dấu lối đi bằng bút.
  • Bố mẹ có thể tự sáng tạo mê cung bằng cách vẽ hoặc tải các hình mê cung có sẵn trên mạng.
  • Với bé nhỏ, bố mẹ chọn mê cung đơn giản và tăng độ phức tạp dần với bé lớn.
  1. Kể tên các loài:
  • Chơi trò này trước khi bé đi ngủ để giúp bé nâng cao vốn từ vựng.
  • Mẹ và bé thay phiên kể tên các loài theo một chủ đề có sẵn. Các chủ đề có thể là các loại xe, các loại bánh, động vật nuôi trong nhà, những thứ có màu xanh, các món ăn, đồ vật trong nhà,…
  • Ví dụ: mẹ và con thay phiên kể tên các loài sống dưới nước, trả lời lần lượt: (mẹ) con tôm, (bé) cá mập, (mẹ) mực, (bé) con cua,…

Đây là những hoạt động chơi cùng con tại nhà mà Anne Party gợi ý. Việc chơi cùng con không chỉ giúp bé phát triển mà còn tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ cho gia đình. Anne Party mong rằng thông qua những hoạt động này, mỗi gia đình sẽ tạo ra những khoảnh khắc vui vẻ và ấm áp bên nhau.

ANNE PARTY – Mang đậm dấu ấn cá nhân của bạn!

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 094 179 2255